Từ một huyện đảo khó khăn cách xa đất liền, thu nhập chính của các hộ dân là nuôi trồng, đánh bắt hải sản và làm nông nghiệp, đến nay, du lịch - dịch vụ đã trở thành ngành kinh tế chủ đạo, chiếm tỷ trọng 45-50% cơ cấu kinh tế của huyện. Đó cũng chính là mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ V, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã đề ra

5 năm qua, Cô Tô thu hút trên 10 vạn lượt khách du lịch mỗi năm, kéo theo sự đầu tư mạnh mẽ về các cơ sở lưu trú du lịch, dịch vụ, năng lực vận tải hành khách với sự gia tăng về số lượng và công suất các tàu cao tốc phục vụ vận tải tuyến, chỉ còn 1 tiếng 20 phút, rút ngắn một nửa thời gian từ đất liền ra đảo.

Mặc dù có sự xuất hiện ngày càng nhiều hệ thống nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ, nhưng đến với Cô Tô, du khách vẫn cảm nhận được nguyên vẹn sự thân thiện của người dân đảo, không khí trong lành, sảng khoái, sự hấp dẫn bởi vẻ hoang sơ thuần khiết và đặc biệt, các dịch vụ được niêm yết công khai về giá, tránh những bức xúc trong du khách do hiện tượng chặt chém, đội giá vốn tồn tại ở rất nhiều điểm du lịch khác trên cả nước.

Phát triển du lịch bền vững mang đặc trưng riêng có của huyện đảo tiền tiêu là mục tiêu hướng đến của du lịch Cô Tô. Giờ đây, Cô Tô đón du khách bằng 03 tuyến và 2 điểm du lịch đã được UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận. Đó chính là bước ngoặt quan trọng để thúc đẩy quy hoạch, quản lý, tổ chức các hoạt động du lịch Cô Tô được ổn định hơn, an toàn hơn, đảm bảo tính pháp lý và là cơ sở hoạch định chiến lực phát triển du lịch Cô Tô một cách lâu dài, bền vững.

Mang đặc trưng văn hóa, lịch sử, tâm linh, sinh thái biển, tuyến du lịch từ thị trấn Cô Tô đến xã Đồng Tiến sẽ đưa du khách dạo qua các điểm đến hấp dẫn trên đảo Cô Tô như: bãi đá Cầu Mỵ, Khu trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Vịnh Bắc Bộ, chợ trung tâm huyện, khu di tích lịch sử Hồ Chủ Tịch trên đảo Cô Tô, khu di tích lịch sử Đồn Cao, đường tình yêu, bãi tắm Nam Hải, trạm Hải Đăng Cô Tô, hồ Trường Xuân, bãi biển Hồng Vàn, bãi biển Vàn Chảy, rừng Chõi nguyên sinh

Đến với đảo Cô Tô, du khách không thể bỏ qua tuyến du lịch sinh thái biển, khám phá trải nghiệm, du lịch mạo hiểm tại thị trấn Cô Tô và đảo Cô Tô con như: khu di tích lịch sử Hồ Chủ Tịch trên đảo Cô Tô, Bãi Nam, Bãi Đông, Hòn Sư Tử (đảo Cô Tô con).

Nếu muốn trải nghiệm không khí đánh bắt và chế biến sứa của bà con vùng đảo, du khách có thể đến với xã Thanh Lân sau khi tham quan khu di tích lịch sử Hồ Chủ Tịch trên đảo Cô Tô, bãi biển Vụng Ba Châu và đến với cơ sở chế biến sứa Mai Công Đàm (xã Thanh Lân).

Cô Tô với những ưu thế riêng có mà thiên nhiên ban tặng, với sự phát triển du lịch theo định hướng thân thiện và bảo tồn sự hoang sơ vốn có, Cô Tô đã tự viết tên mình lên bản đồ du lịch Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung là một điểm đến du lịch sinh thái biển đảo hấp dẫn, nhất là khi có nhiều nhà đầu tư đang tìm hiểu xây dựng các khu resort cao cấp để phục vụ nhu cầu ngày càng cao hơn của du khách khi đến với huyện đảo này./.